Lớp mẫu giáo đặc biệt tại Mai Tâm

“Giờ cơm đến rồi, mình cùng dọn cơm nhé” – Sau lời nhắc nhở của giáo viên, các bạn nhỏ 4-5 tuổi lần lượt xếp hàng ngay ngắn, lấy phần cơm của mình và bưng ra bàn ăn mà hoàn toàn không nhờ đến sự giúp đỡ của bất kỳ ai. Đó là những hoạt […]

“Giờ cơm đến rồi, mình cùng dọn cơm nhé” – Sau lời nhắc nhở của giáo viên, các bạn nhỏ 4-5 tuổi lần lượt xếp hàng ngay ngắn, lấy phần cơm của mình và bưng ra bàn ăn mà hoàn toàn không nhờ đến sự giúp đỡ của bất kỳ ai. Đó là những hoạt động quen thuộc diễn ra mỗi ngày tại lớp mẫu giáo thuộc mái ấm Mai Tâm. 

Lớp mầm non tại Mai Tâm là lớp học dành riêng cho những bạn nhỏ đang sống chung hoặc chịu ảnh hưởng của HIV. Lớp học hiện có 7 em nhỏ và theo tinh thần của phương pháp giáo dục Montessori. Mỗi buổi sáng, trước khi bước vào lớp học, các bé được chọn cách mà giáo viên sẽ chào đón mình bằng việc chỉ tay vào những hình vẽ ôm, hôn và vỗ tay trên cửa. Đây là trò chơi thú vị giúp các con học cách bày tỏ cảm xúc, tạo sự gắn kết với cô giáo và khơi gợi sự hào hứng trong học tập. 

Các bé lớp mầm non đang theo dõi chương trình giải trí – giáo dục

Lớp học thường bắt đầu bằng giờ vòng tròn, sau đó là giờ hoạt động cá nhân. Giờ vòng tròn là thời gian các con được cô giáo hướng dẫn hoạt động chung. Với giờ hoạt động cá nhân, các con được tự do lựa chọn học cụ để tìm tòi và khám phá.

Một trong những điểm đặc biệt của lớp học là “chiếc ghế bình an” được đặt trước cửa. Khi cảm thấy tức giận, buồn bã, các bạn nhỏ sẽ chủ động ra khỏi lớp và ngồi trên chiếc ghế này. Thỉnh thoảng, giáo viên sẽ hỏi các bạn: “Con đã cảm thấy bình an chưa?”. Nếu có, các con sẽ vào lớp và tiếp tục các hoạt động của mình. Nếu chưa, các con có thể ngồi lại thêm đến khi cảm xúc được cân bằng. 

Các bạn nhỏ xếp hàng lấy cơm trưa

Dù mới chỉ 4-5 tuổi, tính kỷ luật và khả năng tự lập của các bé tại lớp học khiến người người phải bất ngờ. Mỗi ngày các bé có 2 bữa ăn chính và một bữa ăn xế. Khi đến giờ ăn, các con tự giác xếp hàng, không chen lấn xô đẩy. Các thao tác xúc cơm, lấy đồ ăn được các bạn nhỏ thực hiện thành thục. Cô Võ Thị Ánh Nguyệt – giáo viên của lớp học cho biết: “Các bạn được thoải mái lấy phần ăn tùy theo nhu cầu của mình, không bị ép buộc hay chịu sự can thiệp của giáo viên. Nếu con đói con có thể ăn nhiều hơn. Nếu bữa xế các con ăn hơi no buổi chiều các con có thể ăn ít lại”. Sau giờ cơm, luôn có những bạn được phân công trực nhật phụ giúp các cô dọn dẹp. 

Mọi hoạt động trong giờ ăn đều được các con tự giác thực hiện mà không cần đến sự giúp đỡ

Cô Nguyệt đã làm việc với ở mái ấm Mai Tâm hơn 7 năm. Cô kể về cơ duyên đồng hành với lớp mầm non: “Trước đây tôi làm việc với các bạn cấp 1, cấp 2 tại mái ấm. Nhưng sau khi kết hôn và có em bé, tôi nhận ra rằng những năm đầu đời các bạn nhỏ có khả năng học được rất nhiều điều, nếu không tận dụng quãng thời gian này là rất lãng phí. Trong khi đó, mái ấm có đầy đủ điều kiện để chăm lo cho các bé về mặt giáo dục.  Tôi xin đi học thêm và trở về hỗ trợ các bạn mầm non”. 

Tuy mới triển khai hơn 1 năm, nhưng lớp mẫu giáo theo phương pháp Montessori tại mái ấm Mai Tâm đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Đây sẽ là nền tảng để các bạn nhỏ ở mái ấm phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, trở thành những con người tự tin, tự lập và giàu lòng yêu thương. 

Kể từ lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, HIV đã trở thành nguồn cơn đau khổ của biết bao người và gia đình; góp phần dẫn đến thực trạng thương tâm là những nạn nhân của căn bệnh thế kỷ trở thành đối tượng kì thị, xa lánh của xã hội.

Thao thức trước nỗi đau và viễn cảnh u tối của những anh chị em đang phải sống với căn bệnh này, đáp lại lời mời gọi của vị chủ chăn Tổng Giáo Phận Sài Gòn – Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân (Camillô) đã thành lập đề án hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho bệnh nhân, những người chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS mà nhà dòng có cơ hội tiếp xúc. Đi qua rất nhiều khó khăn buổi ban đầu, với nỗ lực không ngừng cùng sự góp sức của rất nhiều ân nhân, ngôi nhà đầu tiên được đưa vào sử dụng vào tháng 7 năm 2005 – đánh dấu sự hình thành của mái ấm Mai Tâm như ngày nay

Chăm lo đời sống vật chất, sức khỏe

Mái ấm Mai Tâm hiện đang chăm sóc cho 87 em sống và chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS , trong đó đa số là các em thuộc độ tuổi tiểu học và trung học. Ngoài ra còn có các bà mẹ đơn thân mắc bệnh, được giới thiệu và đến ở tại mái ấm thông qua những tấm lòng hảo tâm. Tại đây, họ được hỗ trợ tuân thủ điều trị ARV, tham vấn và xây dựng kiến thức ngăn ngừa lây truyền HIV, chuyển gửi đến các bệnh viện.

Những bà mẹ đơn thân và trẻ nhiễm HIV là đối tượng chính của Mái ấm Mai Tâm

Nơi ở của mái ấm được chia thành 2 khu nam nữ riêng biệt, bên trong có đầy đủ phòng ngủ, nhà vệ sinh lẫn phòng học cho các em sử dụng. Những em nhỏ thuộc độ tuổi mẫu giáo sẽ được dạy ngay tại mái ấm theo phương pháp Montessori để phát triển toàn diện. Từ lớp 1 trở lên, các em sẽ được sắp xếp gửi vào trường học ở địa phương. Hằng ngày mái ấm đều có xe chở các em đến trường. Các cha phụ trách lẫn tình nguyện viên cũng thường xuyên tham gia đưa đón các em trong trường hợp quá tải.

Các em từ lớp 1 trở lên sẽ được ở theo nhóm trong những phòng tập thể

Mỗi ngày mái ấm phục vụ hơn 100 suất cơm cho toàn thể bệnh nhân. Với trẻ dưới tuổi mẫu giáo, bữa ăn của các em còn được nấu theo công thức riêng để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Đặc biệt với trẻ sơ sinh, các tình nguyện viên còn vận động xin sữa mẹ từ người dân địa phương về cho các em uống. Toàn bộ trẻ nhiễm HIV tại mái ấm đều được chăm lo sức khỏe hết sức kỹ lưỡng để các em được lớn lên với cơ thể khỏe mạnh.

Giờ cơm trưa của các bé mẫu giáo tại mái ấm 

Chữa lành nỗi đau từ bên trong

Không chỉ cho những phụ nữ và trẻ em ảnh hưởng và sống với HIV một nơi trú ngụ, Mái ấm Mai Tâm còn hướng đến giúp người bệnh hòa giải và phục hồi niềm tin vào cuộc sống. Cha Đỗ Đức Phú – một trong các cha phụ trách mái ấm cho biết: điều mái ấm quan tâm nhất là làm sao để chữa lành về mặt tinh thần bên cạnh cung cấp thuốc men, dinh dưỡng. Mái ấm thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, đi tham quan, các lớp học nghệ thuật như vẽ tranh, ca hát, thể thao để các em có tinh thần lạc quan, cảm nhận được niềm vui của cuộc sống và nhìn mọi điều xung quanh sâu sắc hơn.

Ngoài lúc làm việc, cha Phú cũng thường dành thời gian phụ giúp chăm sóc các bé

Các bà mẹ đơn thân cũng nhận được sự động viên không ngừng nhằm giúp vơi bớt nỗi đau quá khứ. Họ được tham gia các lớp học nghề và hỗ trợ việc làm tại xưởng may của mái ấm để có thu nhập. Các mẹ đơn thân đồng thời cũng tham gia phụ giúp việc chăm lo cho những trẻ khác tại mái ấm, vừa mang lại tình yêu thương cho các em vừa tìm lại được cho họ bình yên trong tâm hồn.

Hơn cả một chốn nương nhờ cho những số phận kém may mắn, những giá trị tinh thần do Mái ấm Mai Tâm mang đến đã giúp cho phụ nữ và trẻ em nhiễm HIV tìm lại được động lực sống, nhìn thấy cuộc đời ở phía trước có ý nghĩa và ắp đầy tình yêu thương hơn.