Chúa Hài Đồng Giêsu hạ sinh trong hang đá nhỏ. Niềm vui lan truyền khắp mọi nơi. Trong bối cảnh đặc biệt của Giáng sinh năm nay, mái ấm Mai Tâm biết ơn vô cùng những ân nhân, những tấm lòng nhân ái luôn đồng hành và hỗ trợ mái ấm trong suốt một năm […]
Từ 12/10 – 5/11, cuộc thi Tri ân người chắp cánh lần 5 diễn ra tại mái ấm Mai Tâm, khuyến khích các thành viên của mái ấm chia sẻ về những người đặc biệt đã nâng đỡ các em trên hành trình trưởng thành. Tháng 11 là thời gian mái ấm mái ấm Mai […]
Những điều nhỏ bé đôi khi lại dạy cho chúng ta những bài học thật lớn lao. Như trong câu chuyện dưới đây, trích từ sách “Chiếc chiếu sau bụi hoa quỳnh”, chỉ bằng một quả thông mà chúng ta nhận ra được bài học ý nghĩa về sự sống. Mời mọi người cùng đọc […]
Tiếp nối chương trình giáo dục mùa Hè, Mái ấm Mai Tâm và Worldwide Orphans Vietnam (WWO) đã tổ chức buổi hai của hội trại kỹ năng sống cho các bạn nhỏ vào ngày 16/10/2021 vừa qua. Ở buổi một, thông qua hai hoạt động tập nhảy “Vũ điệu rửa tay” và làm bánh phục […]
Trong khuôn khổ chương trình giáo dục mùa hè, mái ấm Mai Tâm đã phối hợp với Worldwide Orphans Vietnam (WWO) tổ chức khóa học kỹ năng sống cho các bạn nhỏ tại mái ấm. Khoá học thiết kế dành riêng cho 2 nhóm trẻ từ 14-15 tuổi và 16-18 tuổi. Các học viên cùng […]
Một năm có khi trôi qua nhanh không kịp đọng lại gì. Nhưng đối với thầy Huy Cẩn, ngần ấy thời gian tại Mái ấm Mai Tâm đã cho thầy biết bao niềm vui, kỷ niệm và những tâm tình quý giá. Thầy Cẩn bắt đầu sứ vụ tại Mai Tâm từ tháng 9/2020, khi […]
Mặc dù không được vui trung thu cùng bạn bè khắp xóm, các em nhỏ ở mái ấm Mai Tâm vẫn được tận hưởng không khí ngày tết thiếu nhi qua bữa tiệc nhỏ do các cô chú nhân viên của mái ấm tổ chức vào 20/9. Cùng nhìn lại đêm trung thu của các […]
Tháng 7/2020, để các em ở mái ấm Mai Tâm được tương tác với thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống của những người dân chất phác ở thôn quê, tận dụng thời gian nghỉ hè các cô giáo đã lên kế hoạch đồng hành với các em cấp I đi dã ngoại ở Bình Phước […]
“Cô Hân ơi, cô Hân giống như cái đùi gà của con vậy đó” “Sao lại là đùi gà?” “Vì con thích ăn đùi gà nhất” 11 năm là tình nguyện viên của mái ấm Mai Tâm, chị Phạm Ngọc Bảo Hân thấy mình được nhiều hơn cả những gì mình đã cho đi. Chị […]
Một ngày của 15 năm trước, có hai ông bà già dắt theo cô cháu gái đến trước cửa mái ấm Mai Tâm. Cô bé đã 13 tuổi nhưng chỉ nặng vỏn vẹn 18kg, sinh mệnh lay lắt như ngọn đèn trước gió. Nhìn ông bà khuất bóng, em vẫn nghĩ rằng đây chỉ là […]
Thao thức trước tương lai của trẻ em phải sống chung với HIV/AIDS, Mái ấm Mai Tâm đã phối hợp với quỹ ASIF, tổ chức giáo dục FAROS và Tomato để xây dựng chương trình giáo dục cảm xúc cho các em nhỏ đang sống tại mái ấm. Chương trình nhằm giúp các em vượt […]
“Mẹ ơi” – Chị Nguyễn Thị Trung Hoà (nhân viên y tế) lặng người khi nghe tiếng một em nhỏ ở gọi mình. 10 năm đồng hành với các em ở mái ấm Mai Tâm, điều quý giá nhất chị và các nhân viên ở đây nhận được là tình cảm ruột thịt mà các […]
Không có sự hỗ trợ của các tình nguyện viên trong mùa dịch, các bạn nhỏ ở mái ấm Mai Tâm trở thành những “tình nguyện viên nhí”, phụ giúp các mẹ chăm sóc những em nhỏ, hoàn thành công việc nhà trong kỳ nghỉ hè. Đã thành thông lệ, hàng năm cứ đến kỳ […]
Bên cạnh việc chăm sóc về sức khoẻ và giáo dục về tri thức, giáo dục về đạo đức và nhân bản là một trong những điều mái ấm Mai Tâm luôn chú trọng để bồi đắp nên các mầm non tương lai có tấm lòng biết ơn và trái tim nhân ái luôn biết […]
“Có lần, cha Toại đi đâu về và xin được một thùng đồ cũ của trẻ em đem phân phát cho mọi người. Biết Tâm thích một cái áo thun trong số đó, trong lúc phân phát, cha đã vờ hỏi: ‘Cha cho con cái áo này, ngược lại, con cho cha cái áo vest […]
Nhờ những phát triển y khoa, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS ngày nay đã có thể lớn lên hoàn toàn khỏe mạnh và sống cuộc đời bình thường như mọi người. Chính vì thế mà từ lâu bên cạnh chăm sóc sức khỏe, Mái ấm Mai Tâm cũng quan tâm đến những cơ hội […]
Chúa Hài Đồng Giêsu hạ sinh trong hang đá nhỏ. Niềm vui lan truyền khắp mọi nơi. Trong bối cảnh đặc biệt của Giáng sinh năm nay, mái ấm Mai Tâm biết ơn vô cùng những ân nhân, những tấm lòng nhân ái luôn đồng hành và hỗ trợ mái ấm trong suốt một năm qua. Mái ấm chúng con xin được gửi đến tất cả mọi người lời chúc Giáng sinh an lành.
Hãy cùng đón nhận món quà Giáng sinh đáng yêu đến từ các thành viên của mái ấm qua clip sau nhé.
Từ 12/10 – 5/11, cuộc thi Tri ân người chắp cánh lần 5 diễn ra tại mái ấm Mai Tâm, khuyến khích các thành viên của mái ấm chia sẻ về những người đặc biệt đã nâng đỡ các em trên hành trình trưởng thành.
Tháng 11 là thời gian mái ấm mái ấm Mai Tâm dành riêng để tri ân những người đã yêu thương chúng ta trong cuộc đời. Cũng vào thời điểm này hàng năm, cuộc thi Tri ân người chắp cánh sẽ diễn ra. Cuộc thi là nơi mỗi thành viên của mái ấm có cơ hội bày tỏ lòng biết ơn với đấng sinh thành, nuôi dưỡng, các ân nhân, anh chị em hay bạn bè của mình qua những bài dự thi sáng tạo.
Các bài dự thi được thể hiện dưới hình thức bài viết, bài thơ hoặc tranh vẽ.
Năm nay, dịch Covid-19 đi qua với nhiều thử thách cam go. Rất nhiều người đã hy sinh thời gian, công sức và tiền bạc để chúng ta được khoẻ mạnh và bình an. Sống giữa lòng Sài Gòn trong những ngày tháng lịch sử, chắc hẳn mỗi bạn nhỏ đều cảm thấy may mắn và biết ơn. Trong bối cảnh đó, cuộc thi Tri ân người chắp cánh lần 5 lấy chủ đề: “Người con biết ơn/điều con biết ơn trong mùa dịch”.
Với các em học sinh cấp 1, các em có thể thể hiện tâm tình của mình qua những bức tranh hoặc bài viết. Các em học sinh từ cấp 2 trở lên sẽ tham gia cuộc thi với hình thức viết bài hoặc sáng tác thơ. Bài dự thi được yêu cầu trình bày trên giấy A4, không giới hạn số lượng bài và không sao chép.
Ở hai hạng mục viết và vẽ, những bài dự thi đạt giải sẽ nhận về những phần thưởng nho nhỏ để động viên tinh thần và khuyến khích các em rộng lòng hơn trong việc chia sẻ.
Bên cạnh giải thưởng, điều quan trọng nhất mái ấm Mai Tâm mong muốn các em nhận được là học cách trân trọng và biết ơn những điều nhỏ bé đến với mình trong cuộc sống, nuôi dưỡng những cảm xúc tốt đẹp và thêm gắn kết tình thân với các thành viên trong mái ấm.
Những điều nhỏ bé đôi khi lại dạy cho chúng ta những bài học thật lớn lao. Như trong câu chuyện dưới đây, trích từ sách “Chiếc chiếu sau bụi hoa quỳnh”, chỉ bằng một quả thông mà chúng ta nhận ra được bài học ý nghĩa về sự sống.
Mời mọi người cùng đọc truyện ngắn dưới đây có tên “Quả thông trên ngôi mộ đá”.
—
Một lần, cha Huy dẫn các bé về Đà Lạt chơi.
Mấy cha con lang thang trên đồi thông, bọn trẻ vui đùa và thi xem ai lượm được trái thông to nhất. Một bé chạy đến hỏi tại sao trái thông lại đẹp vậy mà bên trong nó không có gì để ăn được vậy cha?
– Con nhìn xem! Bên trong cánh của trái thông, có chứa hạt đó! Khi trái thông già đi, rơi xuống, lăn thật xa, mang theo những hạt thông trong nó. Tà từ những hạt thông ấy, mọc lên những cây thông mới. Con thấy rừng thông đó! Nó bảo vệ núi không bị sạt lở. Nhiều ngôi nhà bằng gỗ cũng được dựng nên bằng gỗ cây thông. Trái thông không phải để ăn, nhưng nó được sinh ra để khô héo đi và mang những hạt giống đến trồng vào chỗ mới… Vòng đời của trái thông cũng giống như con người chúng ta, như cha mẹ mình mỗi ngày một già yếu đi vì phải lao nhọc lo cho mình khôn lớn. Và sau này, đến phiên mỗi người chúng ta cũng vậy đó con!
Nghe đến đó, đứa bé nắm chặt lấy tay cha…
“Cha ơi! Ba mẹ con chết hết rồi.”
Cha chột dạ. Chết! Cha quên rằng bé không còn cha mẹ nữa… Cha ôm đứa bé vào lòng.
“Con cũng còn cha nè! Các sơ, các cô trong Mái ấm nữa… Mọi người cũng ráng hết sức để nuôi cho con khôn lớn.”
Đứa bé ngước nhìn cha, mỉm cười, rồi chạy đi lượm một trái thông thật to dúi vào tay cha và nói khẽ: “Cha đừng bỏ con nghen cha!”
Rồi cha lại đi xa, với cảm giác thật áy náy. Không lâu sau, cha nghe tin một chị trong Mái ấm qua đời. Người đầu tiên báo tin cho cha không ai khác chính là cô bé ấy với một mẩu tin nhỏ: “Cha ơi! Cô K.A chết rồi! Cha có về được không?” Cha tiếc nuối trả lời: “Cha không về được con ơi! Cha đang học.”
Mấy hôm sau, cha lại nhận được tin nhắn: “Cha ơi! Con thấy cha đăng trên Facebook của cha trái thông cha lượm được. Mai mốt cha về, cha mang cho con một trái thông giống vậy nhe cha!”
– Được con! Để con làm gì?
– Con muốn đem lên Mái ấm để bên cạnh hũ cốt của cô K.A! Con muốn cám ơn cô đã nuôi hai em bé…
Đứa bé đã nhìn thấy được công lao của người phụ nữ yếu ốm ấy khi nuôI nấng hai em bé sơ sinh không còn cha mẹ. Bé đã hiểu được thế nào là sống cho nhau và vì nhau.
Cũng không sai chút nào khi thấy rằng mỗi người chúng ta được sinh ra là để đem lại sự sống cho ai đó. Cuộc đời chúng ta chỉ có ý nghĩa thật sự khi mình có thể làm cho ai đó được sống. Có khi là cha mẹ cho con sự sống, rồi đến khi con phụng dưỡng cha mẹ, và rồi những người yêu nhau mang lại cuộc sống cho nhau. Các tu sĩ thì cố gắng tìm lấy sự sống cho người nghèo, người cô thân yếu thế, bị loại ra khỏi xã hội…
Tiếp nối chương trình giáo dục mùa Hè, Mái ấm Mai Tâm và Worldwide Orphans Vietnam (WWO) đã tổ chức buổi hai của hội trại kỹ năng sống cho các bạn nhỏ vào ngày 16/10/2021 vừa qua.
Ở buổi một, thông qua hai hoạt động tập nhảy “Vũ điệu rửa tay” và làm bánh phục linh, hội trại đã giúp các em hiểu rõ hơn về hai giá trị “an toàn” và “yêu thương”. Với buổi hai, các em được học tiếp giá trị thứ ba là “tôn trọng” và cùng thực hành tất cả những giá trị đó trong một hoạt động chung.
Ôn lại “Vũ điệu rửa tay” trước khi bắt đầu hoạt động của buổi hai
Hoạt động đầu tiên của buổi hai là làm rối tay. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên WWO, các em nhỏ dùng bộ dụng cụ được phát để tự làm cho mình một chú rối theo sở thích riêng. Sau đó, một vài chú rối độc đáo được chọn để tác giả thuyết trình trước mọi người về ý tưởng, cảm hứng đằng sau chú rối đó.
Các em chăm chú làm rối theo hướng dẫn của WWO
Các em tự tin khoe tác phẩm của mình
Ngoài cho phép các em thỏa sức sáng tạo, tự thiết kế chú rối theo cá tính; mục tiêu của hoạt động này còn là để giúp các em biết tôn trọng sự khác biệt của nhau. Thoạt đầu, các em còn đùa giỡn, trêu ghẹo nhau khi thấy bạn có cách làm lạ thường. Thế nhưng, khi lắng nghe nhau chia sẻ về chú rối, các em mới hiểu ra mỗi người đều là một cá thể độc nhất, thay vì cười cợt khi bạn có suy nghĩ hay cách làm khác mình, hãy học cách tôn trọng sự đặc biệt của bạn và học hỏi từ điều đó.
Chú rối “độc lạ” này được chọn thuyết trình đầu tiên
Bạn nhỏ ngại ngùng khi giới thiệu chú rối răng sún của mình
Sau thời gian giải lao, các em bắt đầu hoạt động cuối cùng của hội trại: cùng nhau chuẩn bị bữa ăn yêu thương. Đây là hoạt động đặc biệt để các em thực hành cả ba giá trị đã học được. Ở hoạt động này, các em được chia thành bốn nhóm nhỏ, mỗi nhóm sẽ cùng nhau chế biến và trang trí một đĩa salad. Sau đó, các vị giám khảo từ Mái ấm Mai Tâm lẫn WWO sẽ chấm điểm để chọn ra nhóm có đĩa salad đẹp mắt lẫn ngon miệng nhất.
Các em chia thành nhóm và đợi hướng dẫn cho hoạt động bữa ăn yêu thương
Mọi khâu trong hoạt động cuối cùng này đều là cơ hội để thực hành ba giá trị các em đã học được: ý tưởng trang trí salad của các bạn trong nhóm giúp các em biết tôn trọng nhau, cẩn thận khi sử dụng các vật dụng làm bếp giúp các em ôn lại giá trị an toàn, và dồn tâm huyết cùng chuẩn bị món ăn cho nhau giúp các em biết dành yêu thương cho người khác.
Các em cùng lên ý tưởng và trang trí đĩa salad cho nhóm
Kết thúc hoạt động, các giám khảo lần lượt thử các đĩa salad và chấm điểm cho từng đội. Thế nhưng, một điều bất ngờ đã xảy ra. Nhận thấy các em nhỏ đều đã lĩnh hội được và thực hành tốt những giá trị mà hội trại muốn truyền tải, các giám khảo đã nhất trí trao số điểm tối đa cho cả bốn đội, biến tất cả các em đều trở thành người chiến thắng.
Đại diện của một nhóm đang thuyết trình về ý nghĩa đằng sau đĩa salad của nhóm mình
Các giám khảo nhận xét và chấm điểm cho từng nhóm
Hoạt động bữa ăn yêu thương cũng khép lại hội trại của WWO. Thông qua hai buổi hội trại ý nghĩa, các em không chỉ có thêm niềm vui, kỷ niệm với nhau mà còn được trau dồi những kỹ năng, phẩm chất tốt đẹp. Hội trại bế mạc trong không khí vui tươi. Các em được nhận bằng khen xuất sắc cùng những phần quà rất đáng yêu từ Mái ấm Mai Tâm và WWO.
Trao bằng khen xuất sắc cho các em có thể hiện nổi trội
Các nhóm lần lượt được nhận những phần quà đáng yêu từ WWO
Mái ấm Mai Tâm xin cảm ơn WWO đã phối hợp thực hiện hội trại vô cùng ý nghĩa dành cho các em nhỏ. Mái ấm hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội cộng tác cùng WWO trong tương lại để tiếp tục mang lại nhiều chương trình bổ ích khác cho các em, giúp các em phát triển thành những công dân tốt đẹp sau này.
Trong khuôn khổ chương trình giáo dục mùa hè, mái ấm Mai Tâm đã phối hợp với Worldwide Orphans Vietnam (WWO) tổ chức khóa học kỹ năng sống cho các bạn nhỏ tại mái ấm.
Khoá học thiết kế dành riêng cho 2 nhóm trẻ từ 14-15 tuổi và 16-18 tuổi.
Các học viên cùng giáo viên hướng dẫn hào hứng sau khi được học vũ điệu rửa tay
Trong buổi học đầu tiên vào 23/08 với chủ đề “Ngôi nhà an toàn”, 6 bạn nhỏ trên 16 tuổi đã tham gia hai hoạt động theo hai chủ đề: Vũ điệu rửa tay (hoạt động nghệ thuật biểu diễn) và làm bánh phục linh (hoạt động khám phá). Các hoạt động được hướng dẫn online từ WWO và được hỗ trợ trực tiếp bưởi các nhân viên của mái ấm.
Với hoạt động vũ điệu rửa tay, các em học về 6 bước rửa tay theo hướng dẫn của Bộ Y tế kết hợp với điệu nhảy sôi động. Các bạn rất thích thú thực hành theo clip hướng dẫn và mau chóng thuộc bài.
Các học viên tham gia hoạt động làm bánh phục linh
Hoạt động thứ hai đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ và khéo léo hơn khi từ các nguyên liệu được chuẩn bị, các em tự tay làm nên những chiếc bánh phục linh. Các em đã rất nghiêm túc và sáng tạo để cho ra đời những mẻ bánh nhiều màu sắc với hoa văn đẹp mắt.
Kết thúc buổi học, 3 bạn nhỏ đã được khen thưởng cá nhân xuất sắc.
Trong quá trình học online, nếu không nghe rõ hoặc có thắc mắc các em có thể dơ tay để được giải đáp
Đặc biệt vào 27/08, 6 bạn đã tham gia buổi học đầu tiên đã trở thành hướng đạo sinh trực tiếp hướng dẫn lại các hoạt động này cho nhóm các bạn nhỏ 14-15 tuổi. Không chỉ truyền đạt lại những điều đã được học, 6 hướng đạo sinh nhí này còn sử dụng thêm các đạo cụ tự chế để buổi học thêm phần sinh động và hấp dẫn.
6 hướng đạo sinh nhí hướng dẫn lại các hoạt động cho nhóm các bạn nhỏ 14-15 tuổi
Mỗi hoạt động trong khóa học rèn luyện cho các em nhiều kỹ năng cần thiết như khả năng vận động tinh và vận động thô, tinh thần đoàn kết và tương tác, tinh thần sáng tạo và nghiêm túc trong công việc, kỹ năng nấu ăn hay vệ sinh cá nhân. Khoá học đã mang đến cho các bạn nhỏ ở mái ấm Mai Tâm nhiều niềm vui và kiến thức bổ ích, nhất là trong những ngày hè giãn cách xã hội.
Một năm có khi trôi qua nhanh không kịp đọng lại gì. Nhưng đối với thầy Huy Cẩn, ngần ấy thời gian tại Mái ấm Mai Tâm đã cho thầy biết bao niềm vui, kỷ niệm và những tâm tình quý giá.
Thầy Cẩn bắt đầu sứ vụ tại Mai Tâm từ tháng 9/2020, khi vừa về Việt Nam sau thời gian học tập tại nước ngoài. Đến với Mai Tâm, thầy Cẩn kết thân với các em nhỏ rất nhanh, trở thành người các em thường hay tìm đến để tâm sự. Thầy Cẩn cho biết, đó là do trước đây thầy đã làm nhiều công việc liên quan đến chăm sóc trẻ nhỏ nên có nhiều kinh nghiệm. Không chỉ không bỡ ngỡ, thầy Cẩn còn xem đó như sứ mệnh Chúa đã đưa mình đến. “Càng gần các em, thầy càng cảm ơn Chúa nhiều hơn vì đã dẫn dắt cho mình có đủ năng lực để làm tốt công việc này”, thầy Cẩn chia sẻ.
Thầy Cẩn thường được các em nhỏ quấn quýt, tìm đến để bày trò vui chơi
Đến với Mai Tâm là để phục vụ, nhưng ở đây thầy Cẩn lại học được thêm nhiều bài học mới về cách giúp đỡ cho người khác. Vài lần, các bé hành xử bướng bỉnh, cứng đầu khiến thầy Cẩn phiền lòng. Những lúc đó, dù cũng giận và muốn rầy la các em, thầy Cẩn chọn cách lùi mình quan sát để tìm ra nguồn cơn sự việc. “Có lúc thầy buồn vì các em không chịu ăn hay tham gia hoạt động. Nhưng khi thầy nhìn lại, thầy nhận ra những lúc mệt mỏi, chính mình cũng không muốn bị ai ép phải làm gì mà, huống chi là các em ở đây có những hôm cũng bị ảnh hưởng sức khỏe từ việc điều trị”, thầy Cẩn chia sẻ.
Từ những chiêm nghiệm như thế, thầy Cẩn nhận ra rằng phải đặt mình vào vị trí các em thì mới có thể thấu hiểu và giúp các em một cách tốt nhất. Có những em khó đọc, hoặc khó nhớ bài, thầy Cẩn cũng không ép học một cách máy móc vì hiểu rằng các em đang mệt mỏi vì uống thuốc điều trị. Thay vào đó, thầy bày trò đố vui, chuẩn bị vài phần kẹo bánh để các em háo hức ngồi nhớ lại điều đã học, hoặc tự đi tìm tập vở để xem lại. Đối với thầy Cẩn, chỉ khi đồng hành sâu sát với các bé thì thầy mới hiểu trọn vẹn bài học về giúp đỡ người khác sao cho đúng cách.
Bên cạnh vỡ ra nhiều điều hay, thầy Cẩn cho biết các em nhỏ Mai Tâm còn giúp thầy khơi gợi lại nhiều niềm vui tưởng như đã mất. Con người càng lớn thì càng ít được vui chơi hồn nhiên giống lúc nhỏ. Nhưng từ lúc về Mai Tâm, thầy như được sống lại tháng ngày tuổi thơ khi cùng các em vui đùa. “Lúc còn học ở nước ngoài thì tóc thầy chỗ bạc chỗ đen. Từ lúc về Mai Tâm thì tóc đen lại hẳn! Cứ như là các bé cũng giúp mình trẻ ra vậy,” thầy Cẩn hóm hỉnh chia sẻ.
Các em nhỏ chụp ảnh “selfie” cùng với thầy Cẩn
Chăm sóc các em khiến thầy nhớ về thời ấu thơ cũng phụ giúp người thân trông các bé nhỏ trong gia đình. Rồi những chuyến dã ngoại hay những giờ vui chơi tự do, các em cứ quấn quýt lấy mình làm thầy Cẩn không thể không hồi tưởng thời học sinh cũng từng có những nhóm bạn năng động như vậy. Những niềm vui nho nhỏ cứ thế bồi đắp từng ngày, mang lại cho thầy động lực ngày càng to lớn để muốn giúp các em nhiều hơn nữa. “Ngày nào còn được ở Mai Tâm, ngày đó thầy còn dùng hết sức mình để giúp các em nhỏ. Đó là điều thầy mong muốn nhất,” thầy Cẩn tâm tình.
Đã hơn một tháng trôi qua từ lúc thầy Huy Cẩn rời mái ấm để tình nguyện chống dịch ở tuyến đầu. Mỗi ngày, thầy Cẩn đều phải làm việc từ sáng đến tối, nhiều khi muốn gọi về mái ấm cũng không còn sức lực hay thời gian. Nhưng cứ lúc nào được nghỉ giữa các ca, thầy cũng tranh thủ liên lạc hỏi thăm tình hình của những em nhỏ mình đã đồng hành hơn một năm qua. Và như tất cả chúng ta, thầy Cẩn cũng chỉ mong dịch bệnh sớm qua để được đoàn tụ cùng mái ấm và để các em nhỏ còn được đến trường, vui chơi và có những tháng ngày thật trọn vẹn.
Mặc dù không được vui trung thu cùng bạn bè khắp xóm, các em nhỏ ở mái ấm Mai Tâm vẫn được tận hưởng không khí ngày tết thiếu nhi qua bữa tiệc nhỏ do các cô chú nhân viên của mái ấm tổ chức vào 20/9. Cùng nhìn lại đêm trung thu của các em qua những hình ảnh dưới đây.
Dưới sự dẫn dắt của các cha, các em nhỏ hào hứng tham gia phá cỗ trung thu
Những tiết mục văn nghệ trong đêm trung thu do chính các em chuẩn bị và trình diễn
Hành trình rước đèn năm nay của các em không phải khắp xóm mà rút ngắn lại chỉ vòng quanh mái ấm. Dù vậy niềm vui và tiếng cười vẫn trọn vẹn
Các cô chú nhân viên mái ấm đã trang trí cho các em một không gian đầy màu sắc để các em thỏa thích khám phá
Các em nhỏ lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ cùng nhau
Trung thu không chỉ là ngày mà các bạn nhỏ được tận hưởng những thời khắc tuổi thơ rực rỡ mà còn là cơ hội để các em tiếp thu và gìn giữ truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Vì vậy, mái ấm luôn cố gắng để mỗi năm vào ngày này các em được sống trong ký ức về chị Hằng, chú Cuội, về những câu chuyện dân gian ca ca ngợi điều hay lẽ phải và cảm giác sum vầy ấm áp của ngày lễ đoàn viên.
Trong hoàn cảnh chung, công tác chuẩn bị cho tết trung thu năm nay gặp nhiều khó khăn và hạn chế hơn so với mọi năm. Dù vậy, nhờ sự hỗ trợ và giúp sức của quý ân nhân, các em nhỏ ở mái ấm Mai Tâm đã có một đêm hội trăng rằm trọn vẹn và ý nghĩa.
Tháng 7/2020, để các em ở mái ấm Mai Tâm được tương tác với thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống của những người dân chất phác ở thôn quê, tận dụng thời gian nghỉ hè các cô giáo đã lên kế hoạch đồng hành với các em cấp I đi dã ngoại ở Bình Phước trong ba ngày.
Ngày thứ nhất: Thăm vườn bưởi, vườn ổi và tham quan quán trà mang đậm văn hóa của người Hoa
Sau khi cùng đọc kinh xin Chúa chúc lành cho chuyến đi bình an, lộ trình ba tiếng rưỡi từ mái ấm Mai Tâm đến Bình Phước bắt đầu. Các em nhìn ngắm cảnh vật ven đường, cảm thấy mới lạ và thích thú khi tận mắt nhìn thấy những gì đã được học qua trong sách vở:
“Soeur ơi! Con bò kìa. Soeur có nhìn thấy con bò không?”
“Ngôi nhà gỗ kìa!”
“Con kia gọi là con gì nhỉ”
Một bạn khác đáp lại: “là con dê đó”
“Sao đất ở đây khác với đất ở thành phố, đất màu đỏ luôn”…
Các bạn nhỏ hào hứng bắt đầu chuyến đi
Các cô và những anh chị lớn kiên nhẫn giải thích từng câu hỏi để giúp các em nhỏ hiểu biết thêm những kiến thức về tự nhiên. Cũng vì thế, chuyến đi thú vị hơn và dường như đoạn đường được thu ngắn lại. Khi vừa đặt chân đến nhà cô Như, sau khi được giới thiệu chỗ nghỉ ngơi và tắm rửa, các em cất hành lý, vui sướng chạy tung tăng ra vườn chôm chôm, vừa lạ lẫm vừa thích thú được khám phá môi trường mới.
Chiếc máy cày đưa các em đi thăm vườn
Sau khi nghỉ trưa, các em háo hức đợi chờ được đi thăm vườn bưởi và vườn ổi. Xe máy cày tới, các em lạ lẫm nhìn và hỏi nhau: “Mình đi thăm vườn bằng xe này à?”. Được sự trợ giúp của bác tài, các em mau chóng lên được xe. Một trải nghiệm thật thú vị. Tiếng cười nói to nhỏ, theo chiếc xe máy cày lên đồi xuống mương. Gần ba mươi người chen chúc, với tài nghệ pha trò tuyệt đỉnh của cô My, trên xe tràn ắp những tiếng cười. Mỗi người như là điểm tựa nâng đỡ, giúp nhau đứng vững hơn. Xe máy cày đi chậm, giúp cho các em nhìn ngắm cảnh vật ven đường và tương tác với nhau nhiều hơn, kết thêm tình thân gắn bó. Các em lần đầu tiên nhìn thấy những vườn cây cao su, thắc mắc tại sao trên thân mỗi cây đều có một cái chén.
Những thứ quà thôn quê kích thích trí tò mò và ham khám phá của các bạn nhỏ
Niềm vui được chạy nhảy và hái những quả bưởi, quả cóc, ổi đầy một vòng tay, những cây dừa thấp lùn sai trái, chặt uống tại chỗ mới ngon ngọt làm sao! Các cô nhân đó cũng giải thích cho các em hiểu những kiến thức căn bản về nông nghiệp, những bài học không chỉ trong sách vở mà là mắt thấy tai nghe, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người.
Sau cơm tối, chúng con dường như đi lạc vào một khu phố nào đó của Hong Kong. Quán tửu lầu không một chữ tiếng việt, cách bài trí mang đậm văn hóa người Hoa. Mọi người uống trà giữa những đèn lồng, những chiếc quạt thủ công, chữ thư pháp bằng bút lông… Như được đặt trước, cả quán chỉ dành cho Mai Tâm. Các em chạy nhảy nô đùa, tham quan và chụp với nhau những bức ảnh làm kỷ niệm khi được đi du lịch tới nơi bình thường chỉ thấy trong phim ảnh.
Cái nhìn thân thiện của những người xung quanh, sự nhiệt tình của bác tài, lòng tốt của chú chủ vườn, của chủ quán trà đặc biệt là sự hiếu khách, tôn trọng và dành không gian riêng tư cho mái ấm của các thành viên trong gia đình cô Như mang đến cho các em sự an toàn, được quan tâm và yêu thương cách vô điều kiện.
Ngày thứ hai: Đi câu cá, thăm vườn rau sạch, đi bơi, tiệc barbecue
Dưới sự hướng dẫn của bạn hướng đạo nhí là em họ của cô Như, men theo khu rừng cao su, những thửa vườn trồng sầu riêng, khoai mì và bắp, mọi người đến với hai ao khá rộng chuẩn bị câu cá. Ai cũng háo hức chạy đến bên các cô lấy cần câu, lấy mồi chuẩn bị cho thử nghiệm mới. Sau khi được hướng dẫn, các em tìm cho mình một nơi yêu thích để ngồi câu. Một số em tương trợ các bạn khác, đào giun tìm mồi … Mỗi lần ai đó câu được cá, cả nhà vui hẳn lên, rộn rã tiếng cười nói, niềm hãnh diện hiện rõ trên khuôn mặt của các em. Đặc biệt em Bảo (5 tuổi) lần đầu tiên trong đời câu được hai con cá, niềm vui ấy còn đọng lại trong em suốt mấy ngày hôm sau. Thiết nghĩ kinh nghiệm lao động bằng đôi tay và thu hoạch được thành quả tốt đẹp sẽ là động lực ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của em hiện tại và cả sau này.
Sau khi câu cá, các cô dẫn các em đến vườn rau sạch. Người chủ vườn giải thích và để các em tự do tham quan. Nhìn vườn xanh mơn mởn, rau trồng theo kiểu thủy canh, các em rất thích và cũng biết cách tôn trọng những nguyên tắc ở vườn: cẩn thận đi đứng, không nô đùa chạy nhảy, đụng chạm dẫn đến dập rau… Sau một hồi đi thăm vườn, các em ôm những bó rau non xanh mơn mởn ra về.
Các em thăm vườn rau theo hướng dẫn của chủ vườn
Lúc này một trong các cha phụ trách mái ấm cũng đã đến với các em. Các em tíu tít vây quanh kể chuyện cho cha nghe, đồng thời cũng góp một tay chuẩn bị cho bữa trưa. Tuy rằng ai cũng có vẻ thấm mệt và đói, nhưng đa số các em không phàn nàn than trách. Ngược lại bữa trưa còn ngon miệng hơn, không khí ấm cúng và vui tươi.
Nghỉ trưa dậy, cha và các cô dẫn các em đi tắm ở hồ bơi. Giữa cơn nóng nực của mùa hè, được đùa nghịch ngâm mình trong nước thì còn gì bằng. Các em vui đùa thỏa thích trước khi trở về nhà chuẩn bị cho thánh lễ buổi chiều.
Chúng con rất hạnh phúc khi được cùng nhau tham dự bàn tiệc thánh ở nhà nguyện của dòng Nữ Vương Hòa Bình, giáo xứ Long Điền. Tạ ơn Thiên Chúa vì những ân huệ Ngài ban. Trong bài giảng “làm thế nào để cảm nhận được tình yêu của Chúa dành cho mình?”, cha phụ trách giúp các em nhìn nhận lại những sự kiện trong ngày, những bàn tay yêu thương của mọi người, qua đó cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa. Cha và mọi người mỗi ngày âm thầm gieo vào lòng các em, khơi gợi sự biết ơn và trân trọng đối với những quý nhân đi qua đời mình. Đó cũng là bí quyết của sự hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày.
Buổi tối chúng con quây quần bên bếp lửa cùng nhau nướng thịt, bắp, khoai…người phục vụ, kẻ chia sẻ, người lớn trẻ nhỏ vui cười bên nhau. Ngoài trời mưa to nhưng lòng mỗi người ấm áp, không khí đượm nồng tình gia đình.
Ngày thứ ba: Tới sóc Bù Tam (dân tộc S’Tiêng) phát quà cho người nghèo, tham quan nhà hàng nổi của người dân tộc, hành hương Đức Mẹ Thác Mơ, thăm nhà cô Hoa và về lại mái ấm
Người Hoa có câu tục ngữ rất hay: “nhìn lên thì không bằng ai, nhìn xuống không ai bằng mình”. Không ai lại không có một cái gì cho người khác. Tuy hoàn cảnh của các em ở mái ấm khá đặc biệt nhưng các em được sống trong sự quan phòng của Thiên Chúa và yêu thương của quý ân nhân. Ngoài lòng biết ơn, mái ấm cũng hướng các em biết chia sẻ cho những người khác với những gì mình có, tuy rằng rất bé nhỏ, chỉ là “năm chiếc bánh và hai con cá”. Nhìn niềm vui rạng rỡ của các em cùng những nụ cười tươi tắn của các trẻ đồng bào S’Tiêng trao và nhận những cái kẹo, những chiếc bánh, chúng tôi nhận ra rằng hạnh phúc đâu ở xa xôi, quý nhau ở những tấm lòng. “Cho thì có phúc hơn là nhận” là một cảm nghiệm quý giá cho các em khi mang niềm vui đến với người khác.
Các em cũng phát hiện ra những bất ngờ thú vị và nói cùng nhau “mình mới cho đi, có người đã cho lại mình rồi”. Đó là sự nồng nhiệt đón tiếp của các đồng bào, những thanh cơm lam thơm ngon. Cô chú chủ nhà hàng nổi chỉ lấy một nửa số tiền ăn, lại mua tặng bánh kem để tổ chức sinh nhật cho một bạn trong nhóm. Các em thích thú được tự do chạy nhảy trong nhà hàng trên sông nước bồng bềnh, mắc những chiếc võng đong đưa nghỉ ngơi giữa phong cảnh hữu tình.
Các em ở mái ấm chơi đùa với trẻ em sóc Bù Tam
Chúng con kết thúc cuộc hành trình của mình bằng chuyến hành hương Đức Mẹ Thác Mơ, tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã luôn đồng hành và gìn giữ chúng con được bình an. Nguyện xin ơn trên trả công bội hậu cho những thiên thần đã giúp đỡ chúng con bằng cách này hay cách khác.
Mang trong tâm hồn tràn ngập sự chúc lành ấy, trên đường trở về chúng con ghé thăm nhà cô Hoa (một trong những cô giáo của mái ấm). Cảm ơn gia đình cô Hoa đã chuẩn bị cho chúng con những đĩa trái cây thật ngon và sự nồng nhiệt đón tiếp chúng con như là một thành viên trở về gia đình.
Hy vọng những gì các em trải nghiệm trong ba ngày qua ở Bình Phước sẽ là một năng lượng tích cực, một ấn tượng tốt, một kinh nghiệm được yêu thương, một sự học hỏi đa dạng, góp phần giúp các em trong quá trình phát triển toàn diện hơn.
31.7.2020
SOEUR OANH
“Cô Hân ơi, cô Hân giống như cái đùi gà của con vậy đó”
“Sao lại là đùi gà?”
“Vì con thích ăn đùi gà nhất”
11 năm là tình nguyện viên của mái ấm Mai Tâm, chị Phạm Ngọc Bảo Hân thấy mình được nhiều hơn cả những gì mình đã cho đi. Chị được cảm nhận niềm vui từ việc chăm sóc các em, được các em yêu thương quý mến và đặc biệt là được thấy những bạn nhỏ năm nào lớn lên khỏe mạnh, học hành đến chốn và trở thành những con người tử tế của xã hội.
Cái đùi gà
Năm 2010, chị Hân nhận được lời mời trở thành mẹ đỡ đầu của một bạn nhỏ ở mái ấm. Từ đó, chị bắt đầu bén duyên với Mai Tâm và trở thành một trong những tình nguyện viên kỳ cựu cho đến tận bây giờ. “Nói là giúp đỡ các em, thực ra là ngược lại, tôi học được từ tụi nhỏ nhiều điều.” – Chị Hân cho biết.
Chị Hân chăm sóc các em nhỏ ở mái ấm
Điều đầu tiên mà chị học được ở mái ấm có lẽ là niềm tin được xây dựng từ sự kiên trì và nhẫn nại. Những ngày mới đến, đám trẻ lớn chỉ đứng từ xa nhìn chị với ánh mắt dè dặt. Hiểu được các em có những rào cản vô hình với mình, chị chọn cách từ từ bước vào thế giới của các em. Chị đến với các em với các em đều đặn mỗi tuần dẫu ngày nắng hay ngày mưa, chị nhiệt tình chơi với các bé nhỏ, năng nổ giúp đỡ mọi người và âm thầm quan sát các bé lớn để biết tính tình của từng bạn. Trong thời gian đó, các bé cũng quan sát chị, bắt đầu thấy thiện cảm và mở lòng mình hơn.
Chị Hân chia sẻ một kỷ niệm dễ thương: “Có một bé gái rất ít nói, bé chỉ lẳng lặng nép một góc nhìn khi thấy tôi chơi với em của bé. Thời gian sau bé được mẹ đón về rồi lại trở lại mái ấm để đi học. Từ đó thái độ của bé với tôi thay đổi nhiều. Bé gần gũi với tôi hơn, lâu lâu sẽ chạy lại ôm ấm tôi. Có lần bé nói tôi giống như cái đùi gà của bé. Tôi hỏi tại sao, bé bảo vì con thích ăn đùi gà nhất”. Chị Hân bật cười trước cách ví von ấy. Nhưng chị cũng rưng rưng vì phải thương lắm, quý lắm mới được là cái đùi gà của con. Từ một bạn nhỏ khép kín, bé đã dần học được cách bày tỏ tình cảm với những người xung quanh qua lăng kính ngây ngô vụng dại.
Sống như con trẻ
Qua nhiều năm, chị Hân trở thành một người bạn, người chị em thân thiết mà các bé có thể chia sẻ những câu chuyện vui buồn. Chị nhận ra mỗi bạn nhỏ đều có một trái tim thuần khiết. Cho dù trải qua nhiều tổn thương, nhưng chỉ cần dìu dắt đúng cách chúng ta đều có thể chữa lành những rạn vỡ, mài giũa những góc cạnh và giúp các bé trở thành con người lương thiện.
Con gái đỡ đầu của chị chính là một ví dụ điển hình. Con có cá tính mạnh, có phần nóng nảy nhưng cũng là cô bé giỏi quan sát, nhiệt tình trong công việc chung và có lòng trắc ẩn. Cứ mỗi năm tết đến, chị lại đón bé về ăn tết cùng gia đình mình. Năm đó, bé năn nỉ chị đón một em nhỏ hơn ở mái ấm về cùng. Chị rất ngạc nhiên vì bé và em không những không thân thiết mà còn hay mâu thuẫn với nhau. Hỏi ra mới biết, bé nghe mọi người nói em không có ai đón về. Vượt lên những cảm xúc của bản thân, bé đã vì cảm thông cho những thiệt thòi của bạn mà cố gắng để giúp bạn theo cách riêng của mình. Điều đó làm chị rất cảm động, mặc dù năm ấy chị đã có một mùa tết “đáng nhớ” khi phải luôn phân giải cho những lần gây lộn của hai đứa nhỏ.
Từ các bạn nhỏ chị Hân học được những bài học quý giá
Hay như một bé bị bỏ rơi ngoài đường, vì ba bé hứa sẽ quay lại nên bé mỗi ngày bé đều đứng trước cửa để đợi ba đón về. Chờ hoài từ năm nay sang năm khác bé vẫn chẳng thấy ba đâu. Niềm tin dần sụp đổ, thù hận bắt đầu nhen nhóm. Nhưng mọi người ở mái ấm luôn cố gắng động viên và giúp bé hoà giải. Bé dần hiểu rằng có lẽ ba cũng có những nỗi khổ tâm riêng. Mặc dù bỏ rơi bé là sai trái, nhưng cũng vì vậy mà bé được gặp và đón nhận tình yêu thương của mọi người ở mái ấm. 5 năm sau, mái ấm tìm lại được ba của bé. Điều đầu tiên mà bé đã làm là chạy đến ôm ba thật chặt.
Chị Hân trộm nghĩ, người lớn nhiều khi không thể bỏ qua những hiềm khích và thù hận mà thấu cảm cho nhau như cách các bé đã làm. Các bé đã dạy chị bài học vô cùng đắt giá, đó là hãy luôn giữ tâm hồn mình trong sáng như là con trẻ.
Nói về thời gian đồng hành với mái ấm, chị Hân cho biết: “Không phải tôi đã làm được gì cho các em mà là các em đã mang đến cho tôi điều gì. Những hôm tôi không thể đến mái ấm các bé sẽ gọi điện than thở “con nhớ cô Hân quá”. Có chuyện gì vui, chuyện gì buồn các bé đều tin tưởng kể với tôi. Có món gì ngon các bé cũng để dành phần cô Hân”.
Cho dù có bao nhiêu khó nhọc, chỉ cần những niềm vui nhỏ bé như vậy đã đủ để chị hạnh phúc với công việc phục vụ của mình. Không chỉ riêng chị Hân, tất cả tình nguyện viên và nhân viên của mái ấm Mai Tâm đều đang nỗ lực vì một giấc mơ thật đẹp, đó là chứng kiến các em vượt lên bệnh tật, phát triển về cả trí tuệ lẫn nhân cách và được trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình.
Một ngày của 15 năm trước, có hai ông bà già dắt theo cô cháu gái đến trước cửa mái ấm Mai Tâm. Cô bé đã 13 tuổi nhưng chỉ nặng vỏn vẹn 18kg, sinh mệnh lay lắt như ngọn đèn trước gió. Nhìn ông bà khuất bóng, em vẫn nghĩ rằng đây chỉ là một cuộc dạo chơi.
Cô bé ấy bây giờ đã trở thành cô điều dưỡng xinh đẹp với nụ cười tỏa nắng. Nhớ về ngày hôm ấy, N. xem đó là bước ngoặt cuộc đời mình.
Ba mẹ N. mất sớm. Từ họ, em “thừa hưởng” một căn bệnh thời điểm đó ai nghe đến cũng rùng mình xa lánh. Duy có ông bà ngoại là không như vậy. Em lớn lên trong vòng tay của những người thân yêu duy nhất. Ấy vậy mà sau một lần thập tử nhất sinh, ngày em xuất viện, ông bà đành lòng đưa em đến Mai Tâm rồi để em lại đó.
N. (áo trắng) chơi đùa cùng các em nhỏ ở mái ấm
Suy nghĩ mình bị bỏ rơi cùng những tổn thương và thù hận bắt đầu len lỏi trong suy nghĩ của một đứa trẻ. 3 tháng sau, khi ông mất, em mới hiểu được ông bà có nỗi khổ tâm riêng. Họ ngày càng già yếu, còn bệnh tình của em ngày một trầm trọng hơn. Em không bị bỏ rơi, em đến mái ấm để được chữa bệnh, được đi học và có một tương lai tốt đẹp – điều mà hai kẻ gần đất xa trời muốn lắm mà không thể mang đến cho đứa cháu mồ côi.
Năm đầu tiên ở Mai Tâm, N. được chăm sóc đặc biệt. Cứ vài ba tháng em phải nhập viện một lần. Những hy vọng cứ loé lên rồi vụt tắt. Các cha, các thầy và tình nguyện viên luôn túc trực bên cạnh động viên, chăm sóc và dành cho em những điều kiện tốt nhất, dù mái ấm lúc đó còn nhiều khó khăn. Nhìn thấy sự yêu thương và cố gắng của mọi người vì mình, N. biết mình không thể từ bỏ cuộc sống.
Không chỉ khỏe mạnh và có thể tiếp tục được đến trường như bạn bè đồng trang lứa, quãng thời gian đó còn nuôi dưỡng nơi tâm hồn N. những mầm thiện đầu tiên. Từ một cô bé ương bướng với cái tôi cao ngất, em dần học được cách cảm thông và hòa đồng với anh chị em trong mái ấm. Vốn sợ bẩn nhưng khi nhìn thấy các cha không nề hà chăm sóc cho những bệnh nhân nặng, em cũng không ngần ngại hy sinh vì việc chung.
Lớn lên, N. thích được chăm sóc các em nhỏ ở mái ấm như cách mình đã được chăm sóc ngày còn bé. Em trở thành bạn nhỏ đầu tiên ở mái ấm bước chân vào đại học, lựa chọn trở thành một điều dưỡng theo định hướng của các cha và cũng là niềm yêu thích của bản thân.
N. trong lễ tốt nghiệp tại ĐH Hồng Bàng
Nhiều năm sống ở mái ấm, N. nhận được ân tình của nhiều người, cả những người biết mặt lẫn những ân nhân giấu tên. Để lại ấn tượng sâu sắc nhất với em là cô Thuỷ. Mỗi năm cô Thuỷ đều từ nước ngoài về ghé thăm mái ấm 1-2 lần, mỗi lần cô đều mang đến rất nhiều quần áo, thuốc men cho các em nhỏ. Cô còn dẫn mọi người đi ăn phở, tận tình hỏi mọi người có mong muốn gì hay không. N. biết ơn sự ghé thăm của các ân nhân đã cho em niềm phấn khích của một đứa trẻ nhận được quà, có một cuộc sống đủ đầy, được đi học, được lớn khôn.
Đã mang ơn nhiều như vậy, N. cũng mong muốn làm gì đó cho các em có hoàn cảnh giống mình. Ra trường N. quay trở về làm việc tại Mai Tâm. Những đêm thức trắng chăm những em bé sơ sinh, mỗi ngày kiên nhẫn chạy theo từng bạn nhỏ để nhắc nhở các em uống thuốc đúng giờ, N. thấy lại hình ảnh cô bé sợ uống thuốc ngày xưa, thấy thương hơn công ơn dưỡng dục cao vời vợi ấy.
Chăm sóc các em nhỏ ở Mai Tâm là cách để N. trả ơn những người đã mang đến cho em một tương lai tốt đẹp
Sau 2 năm, muốn thử thách bản thân nhiều hơn, N. bước ra khỏi mái ấm để xây dựng cuộc sống tự lập. Những ngày đầu tiên mọi thứ đều lạ lẫm, khó khăn bủa vây em. Những kỹ năng đã được học ở mái ấm trở thành hành trang quý giá để N. vượt qua những rào cản của xã hội, ổn định cuộc sống và trở thành cô gái được mọi người yêu quý.
Bây giờ, N. vẫn thường xuyên giữ liên lạc với những người bạn đã lớn lên cùng mình. Từ những chắt chiu, yêu thương của mái ấm và các ân nhân, mọi người đều đã trưởng thành và có những hướng đi riêng. Đã 3 tháng kể từ ngày dịch bệnh bùng phát N. không thể ghé qua Mai Tâm. Cô gái mong sao dịch bệnh sớm qua đi để được về thăm nhà, được thấy các em lớn lên từng ngày và nụ cười hiền của những người em xem là cha mẹ thứ hai.
Thao thức trước tương lai của trẻ em phải sống chung với HIV/AIDS, Mái ấm Mai Tâm đã phối hợp với quỹ ASIF, tổ chức giáo dục FAROS và Tomato để xây dựng chương trình giáo dục cảm xúc cho các em nhỏ đang sống tại mái ấm. Chương trình nhằm giúp các em vượt qua được những mặc cảm và lớn lên thành những công dân tốt cả về phẩm giá lẫn trí thức.
Chương trình giáo dục cảm xúc này đã trải qua quá trình trao đổi, bàn bạc giữa Mai Tâm và các tổ chức tham gia trong suốt 1 năm trời. Kết quả thu được là một chương trình giáo dục đặc thù, được FAROS cũng như Tomato nghiên cứu đặc trưng cho Mai Tâm, dựa trên hoàn cảnh, nhu cầu, tình trạng thực tế của các em nhỏ ở mái ấm.
Thông qua các trò chơi, hoạt động tập thể, các em sẽ tiếp thu những giá trị tốt hơn và ghi nhớ lâu hơn.
Giáo dục cảm xúc là một trong những mục tiêu hàng đầu của Mái ấm Mai Tâm. Mái ấm là nơi cưu mang rất nhiều trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tuy cùng mang điểm chung là phải sống hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, mỗi em nhỏ tại Mai Tâm đều đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, có độ tuổi lẫn trình độ khác nhau… Vì thế, để mọi em nhỏ ở đây đều được nhận sự chăm sóc tốt nhất, bước đầu tiên đó là phải tạo ra một môi trường ứng xử phù hợp, thấu hiểu, thống nhất. Môi trường lý tưởng này sẽ được hình thành dần thông qua những giờ học chuyên sâu về cảm xúc.
Đối tượng chính của chương trình này là tập thể các em nhỏ ở mái ấm. FAROS và Tomato là hai tổ chức giáo dục uy tín và có bề dày kinh nghiệm trong việc giáo dục nhân bản, trí thức cho trẻ em. Được sự tài trợ của quỹ ASIF, Mai Tâm đã cùng FAROS và Tomato thiết kế những giáo án dành riêng cho từng độ tuổi, nhắm đúng vào những vấn đề cảm xúc mà có thể các em đang gặp phải như: biết bày tỏ suy nghĩ, khám phá cảm xúc của bản thân và người khác, cách phản ứng trước các cảm xúc tiêu cực, cách ứng xử khi nhu cầu của bản thân khác với mọi người…
Không chỉ gói gọn trong đối tượng là các em, chương trình này còn có giáo án dành cho các bà mẹ, bảo mẫu, giáo viên ở mái ấm. Họ sẽ được cung cấp những kiến thức trong việc nuôi dạy con trẻ như: quan sát và nhận biết dấu hiệu khi con gặp vấn đề; khuyến khích con làm việc nhà hay giúp đỡ mình; làm gì khi con nói dối, lầm lì; làm gì khi con chán học… Những nội dung trong giáo án dành cho các bà mẹ cũng thống nhất với chương trình được mang dạy cho các em, để việc giúp đỡ cho các em được đồng bộ giữa tất cả mọi người, bộ phận ở mái ấm.
Trò chơi mở ô số đoán chữ trong buổi sinh hoạt vào ngày 03/7/2021 vừa qua
Chương trình giáo dục cảm xúc còn là phương tiện để Mai Tâm hướng đến xây dựng văn hóa ứng xử trong toàn mái ấm. Bằng cách giúp các em nhận thức và luyện tập các giá trị nhân bản như khiêm tốn, vị tha, trách nhiệm, tôn trọng… các em sẽ hình thành lối ứng xử phù hợp không chỉ với nhau hay các thầy, cô ở Mai Tâm mà còn biết cách giao tiếp lịch thiệp, tử tế với mọi người trong xã hội.
Để việc cảm thụ những giá trị này diễn ra tự nhiên nhất, mái ấm tổ chức cho các em tham gia vào các hoạt động như trò chơi tập thể, làm báo tường, tìm hiểu về ca dao tục ngữ… Quá trình vừa chơi vừa học sẽ khiến việc tiếp thu ở các em sẽ không bị khô khan, cứng nhắc hay nặng tính giáo điều. Buổi sinh hoạt đầu tiên trong khuôn khổ chương trình đã được tổ chức vào tháng 7/2020 vừa qua để phổ biến hai giá trị “tôn trọng” và “lịch sự”.
Mọi hoạt động thú vị, bổ ích tiếp theo nằm trong khuôn khổ chương trình giáo dục cảm xúc đều sẽ được Mái ấm Mai Tâm cập nhật tại fanpage và website. Hãy theo dõi chúng tôi để thấu hiểu những hoạt động ý nghĩa mà Mái ấm Mai Tâm đang thực hiện cho các trẻ và mẹ đơn thân đang bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Đồng thời, Mái ấm Mai Tâm cũng xin dành lời cảm ơn đến quỹ ASIF, tổ chức giáo dục FAROS và Tomato đã đồng hành, giúp đỡ Mái ấm Mai Tâm trong việc mang đến cho các em nhỏ nền giáo dục nhân bản tốt nhất!
Bạn cũng có thể giúp những hoàn cảnh đặc biệt đó có được cuộc sống tốt hơn bằng cách chung tay vào sứ mệnh của Mái ấm Mai Tâm. Hãy tìm hiểu những thông tin về Mai Tâm ở bên dưới và đóng góp cùng chúng tôi nhé!
“Mẹ ơi” – Chị Nguyễn Thị Trung Hoà (nhân viên y tế) lặng người khi nghe tiếng một em nhỏ ở gọi mình. 10 năm đồng hành với các em ở mái ấm Mai Tâm, điều quý giá nhất chị và các nhân viên ở đây nhận được là tình cảm ruột thịt mà các bé dành cho mình.
Lo từng bữa ăn
“Mái ấm chẳng bao giờ ít việc cả, lúc nào cũng có vô số việc cần lo toan” – Chị Hoàng Thị Lệ Thu (nhân viên chăm sóc) chia sẻ. Không nhiều việc sao được khi ngôi nhà nhỏ bé này là nơi trú ngụ của gần 90 em nhỏ và hơn 20 bà mẹ chịu ảnh hưởng của HIV. Để gánh vác khối lượng công việc khổng lồ ấy, ngoài các cha, các soeur, mái ấm hiện có 16 nhân viên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: nhân viên kế toán, đầu bếp, giáo viên, nhân viên vệ sinh, nhân viên chăm sóc, nhân viên hành chính – nhân sự, tài xế, trợ lý Ban Giám đốc. Mỗi vị trí đều có những niềm vui, những khó khăn và những trọng trách khác nhau. Nhưng tất cả đều rất cần cái tâm, tinh thần hy sinh và trái tim nhẫn nại.
Các nhân viên đồng hành xuyên suốt trong quá trình phát triển của các em
Là một trong những tình nguyện viên đầu tiên của mái ấm, chị Thu cho biết: “Thời điểm đầu tiên khó khăn vô cùng. Bệnh nhân không nhiều, nhưng là những người bệnh nặng, thậm chí hấp hối. Có những em nhỏ khi được đưa đến ghẻ lở đến mức cả người đầy vảy. Mọi thứ đều thiếu thốn, kể cả về y tế, nhân lực lẫn tài chính, mọi người phải lo từng bữa ăn”.
Khi đó nhiều người chưa có hiểu biết đầy đủ về HIV, cả xã hội đều sợ hãi trước sự bùng nổ đại dịch thế kỷ. Chị Thu cũng vậy. “Nhưng nhìn thấy những bệnh nhân hấp hối, em nhỏ chất chứa nỗi sợ hãi bị bỏ rơi tôi thấy tội nghiệp quá. Vì thế tôi quyết định chuyển hẳn vào mái ấm ở bên chăm sóc họ những lúc như vậy” – Chị tâm sự.
Các nhân viên luôn nỗ lực để các con được lớn lên như bạn bè đồng trang lứa
Hơn 16 năm làm việc ở mái ấm, chị Thu đã trải qua nhiều vị trí khác nhau. Ở mỗi thời điểm, chị có một lý do để ở lại: “Vào năm 2005, phác đồ điều trị của các em 5 năm phải đổi một lần, nên 5 năm là một dấu mốc rất quan trọng quyết định việc các em có qua khỏi hay không. Tôi cố gắng cùng các em vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Đến năm 2010, các nghiên cứu mới chỉ ra rằng nếu tuân thủ tốt điều trị các em hoàn toàn có thể sống với HIV như một căn bệnh mãn tính. Khi đó tôi lại nhìn xa hơn một chút, nghĩ rằng khi lớn hơn, các em sẽ cần một người đủ tin tưởng để ở bên trò chuyện, tâm sự. Bây giờ, tôi mong muốn nhìn thấy quả ngọt đã gieo trồng, chờ ngày các em trưởng thành, có công việc yêu thích, có thể tự đi trên đôi chân của mình”.
Chỉ cần con khỏe mạnh
Nếu như chị Thu là người đồng hành cùng các em trong đời sống thường ngày thì chị Nguyễn Thị Trung Hoà là người sẽ là chăm sóc các em khi đau ốm. 10 năm nay, chị Hoà chịu trách nhiệm theo dõi sức khoẻ từng em nhỏ tại mái ấm. Liên hệ làm thủ tục xét nghiệm cho những bé mới vào, theo dõi tác dụng phụ của thuốc ARV, xử lý khi các em có vấn đề về sức khỏe…là công việc hàng ngày của chị.
Do sức đề kháng của các em ở mái ấm yếu hơn những trẻ bình thường, mỗi khi trái gió trở trời có một bé bệnh cả mái ấm sẽ cùng bệnh. Có những thời điểm, chị Hoà phải thức suốt đêm chăm cùng lúc 10 bé sốt hay chạy qua chạy lại giữa nhiều bệnh viện khác nhau.
Nhân viên phòng y tế đo huyết áp cho một em ở mái ấm
Chị tâm sự: “Có nhiều kỷ niệm dở khóc dở cười như nửa đêm bé nôn ra khắp người hay tè ướt hết áo mình. Nhiều khi sau một đêm chăm bệnh thức dậy thấy mình đuối lắm. Nhưng không sao hết, tôi vượt qua hết, chỉ cần nhìn thấy các con khoẻ mạnh là mình thấy vui rồi”.
Vậy mà cũng có những lúc, chị Hoà cũng phải bất lực trước bệnh tình của các con. Bé Vi là một trường hợp như thế. Bé rời khỏi mái ấm để xây dựng gia đình riêng và được đón về trong tình trạng kháng thuốc, đã bước sang giai đoạn AIDS. Mẹ mất sớm, từ nhỏ thiếu thốn tình yêu thương của gia đình, trong những ngày cuối đời được chị Hoà chăm sóc Vi khao khát được gọi chị một tiếng “mẹ”. Thấy bé ngày càng yếu đi, chị thủ thỉ: “Con cứ gọi mẹ là mẹ. Con ráng khoẻ lại rồi lên nhà mẹ, để mẹ tổ chức sinh nhật cho con”. Nhưng Vi đã không chờ được ngày đó. Không lâu sau con mất trong niềm tiếc thương vô hạn của các thành viên trong mái ấm. Niềm an ủi duy nhất của chị Hoà là cho tới tận lúc ra đi con vẫn lành lặn, không phải chịu đựng sự lở loét, đau đớn về da thịt.
Công việc ở mái ấm tuy nhiều vất vả nhưng lại có sức hút mãnh liệt để những nhân viên như chị Hoà, chị Thu cống hiến nhiều năm. Với chị Hoà, đó là cái tình mà các em dành cho mình. Có những bé gắn bó lâu một ngày đột nhiên gọi “mẹ ơi”. Có bé tâm lý bất ổn, tự giải phóng cảm xúc bằng cách tự làm đau chính mình. Thường xuyên trò chuyện, tâm tình, một ngày em bảo: “Trước nay con nghĩ cô Hoà khó, cô Hoà nghiêm khắc. Khi con tiếp xúc với cô Hoà, trải qua thời gian rồi con mới hiểu”. Em giờ đã thay đổi và không còn tự hành hạ mình nữa. Những chuyện nho nhỏ như thế là động lực to lớn để chị tiếp tục gắn bó với công việc của mình.
Với chị Thu, niềm hạnh phúc lớn nhất là được chứng kiến quá trình trưởng thành của các em và thấy rõ tỷ lệ tử vong do HIV của các em ngày càng giảm dần. Nghe một bạn nhỏ chia sẻ rằng “ước mơ của con là sau này lớn lên sẽ nuôi được gia đình và các em tại mái ấm”, chị tự hào đã nuôi dưỡng các con nên người.
Với mỗi nhân viên, Mai Tâm không đơn thuần chỉ là một cơ sở bảo trợ xã hội, một mái ấm đơn thuần. Nhưng nơi đây còn là ngôi nhà chung mà mỗi thành viên đều là những người thân ruột thịt. Đặt mình vào tâm tình của những người làm cha làm mẹ, chị Thu, chị Hoà và các nhân viên khác luôn nỗ lực hết mình để che chở, yêu thương và mang đến cho các con một cuộc sống tốt đẹp nhất.
Không có sự hỗ trợ của các tình nguyện viên trong mùa dịch, các bạn nhỏ ở mái ấm Mai Tâm trở thành những “tình nguyện viên nhí”, phụ giúp các mẹ chăm sóc những em nhỏ, hoàn thành công việc nhà trong kỳ nghỉ hè.
Đã thành thông lệ, hàng năm cứ đến kỳ nghỉ hè, các em nhỏ tại mái ấm Mai Tâm lại xông xáo thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt. Đó là san sẻ công việc với các bảo mẫu, nhân viên trong mái ấm. Năm nay, khi mái ấm không thể đón tiếp tình nguyện viên và khách viếng thăm do dịch bệnh, sự hỗ trợ của các em lại càng có ý nghĩa hơn.
Các bạn nữ ở Mai Tâm khéo léo chăm em nhỏ
Mỗi ngày, các em sẽ chia ra thành nhiều nhóm, phụ trách những công việc khác nhau tùy theo khả năng của mình. Những bạn lớn có thể hỗ trợ chăm sóc các em nhỏ: chơi với trẻ, cho trẻ ăn, thay tã và tắm rửa cho trẻ, ru trẻ ngủ… Các em nhỏ hơn thì giúp đỡ việc nhà như nấu nướng, vệ sinh nhà cửa, sắp xếp đồ đạc, giặt giũ và phơi quần áo… Ngoài ra, trong thời gian giãn cách xã hội, các bạn còn phụ các cha, các soeur nấu những bữa cơm tình nghĩa cho các khu cách ly hay chuẩn bị phần quà cho những hoàn cảnh khó khăn.
Các em san sẻ nhau trong công việc chung
Để khuyến khích các em, hàng tháng mái ấm có bảng phân công cụ thể cho mỗi thành viên và đánh giá điểm số dựa trên chất lượng công việc của từng người. Khi kỳ nghỉ hè kết thúc, những điểm thưởng này sẽ được tổng kết và quy đổi thành các khoản tiền tiêu vặt. Dưới sự hỗ trợ và quản lý của mái ấm, các em có thể mua cho mình những đồ vật hoặc món ăn mà mình yêu thích.
Tuỳ khả năng mà các em lựa chọn cho mình công việc phù hợp
Trở thành một tình nguyện viên nhí cũng chính là cơ hội để các em nhỏ tại mái ấm học cách cho đi qua sự phục vụ và trưởng thành hơn về nhân cách mỗi ngày. Chị Phương (nhân viên mái ấm) cho biết: “Các em rất hào hứng khi được tham gia những công việc như vậy. Hoạt động thường niên này giúp cho các em làm quen với những công việc nhà, biết cách san sẻ với nhau trong cùng một gia đình. Sau này khi trưởng thành các em có thể tự lo cho bản thân và xây dựng tổ ấm của riêng mình. Ngoài ra, các em còn rèn luyện được những đức tính tốt như kiên nhẫn, đúng giờ, đón nhận công việc với thái độ vui vẻ”.
Các bạn nhỏ phụ giúp sơ chế thực phẩm để chuẩn bị những bữa cơm cho các khu cách ly
Mùa hè năm nay trở nên đặc biệt hơn với nhiều bạn nhỏ sống trong vùng dịch. Các em gặp nhiều hạn chế trong việc tham gia các hoạt động giải trí và giáo dục. Tuy nhiên, ngay trong chính ngôi nhà của mình, các em cũng có thể tham gia nhiều hoạt động bổ ích và gặt hái cho mình những bài học giá trị. Mái ấm Mai Tâm mong rằng mỗi bạn nhỏ sẽ trải nghiệm mùa hè lý thú theo cách riêng của mình.
Bên cạnh việc chăm sóc về sức khoẻ và giáo dục về tri thức, giáo dục về đạo đức và nhân bản là một trong những điều mái ấm Mai Tâm luôn chú trọng để bồi đắp nên các mầm non tương lai có tấm lòng biết ơn và trái tim nhân ái luôn biết cho đi.
Các em nhỏ khi đến với mái ấm Mai Tâm đều có hoàn cảnh riêng. Các em thiếu thốn sự quan tâm và yêu thương của người thân ruột thịt, dễ nhạy cảm và tổn thương trước định kiến của xã hội. Người ta không thể học được cách yêu thương nếu không được yêu thương, cũng như không thể cho đi những điều họ không có. Vì thế, Mai Tâm luôn nỗ lực để cho các em một mái nhà chung ấm áp, nơi các em được bù đắp những tổn thương nội tâm và cảm nhận được sự yêu thương, chăm sóc của các thành viên trong gia đình.
Mái ấm Mai Tâm là nơi các em nhỏ chịu ảnh hưởng bởi HIV được cảm nhận tình cảm ấm áp của gia đình
Trong cách giáo dục các em, mái ấm luôn duy trì sự kiên nhẫn, thấu hiểu và bao dung để các em hiểu rằng mình được quan tâm, yêu thương và tôn trọng chứ không bị ghét bỏ. Mọi hành vi bạo lực trong cả hành động lẫn lời nói với các em đều bị hạn chế để tránh các em chịu tổn thương tâm lý hoặc có xu hướng bạo lực trong tương lai.
Từ lứa tuổi mầm non, các em nhỏ đã được giáo dục theo phương pháp Montessori, đề cao tinh thần tự lập và tự do phát triển. Vì thế, các em sớm biết tự chăm sóc bản thân, phụ giúp các mẹ công việc nhà và lo lắng cho các em nhỏ hơn mình. Qua đó, các em học cách sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội khi trưởng thành.
Những lời nhắn gửi thân thương từ các em nhỏ
Đồng thời, các em luôn được khuyến khích học cách bày tỏ tình yêu thương với những anh chị em sống trong ngôi nhà Mai Tâm. Trong các buổi sinh hoạt chung, các em được học và thực hành điều đó bằng cách trực tiếp chia sẻ cảm xúc hoặc viết ra những lời cảm ơn, biết ơn cho người mà mình yêu quý. Những thói quen nhỏ này sẽ giúp các em lớn lên với một trái tim rộng mở, biết đón nhận và lan tỏa tinh thần nhân ái.
Không chỉ trong phạm vị mái ấm, các em nhỏ còn được cùng nhân viên của mái ấm tham gia các chương trình thiện nguyện tại TP.HCM như phát quà cho người vô gia cư trên đường phố, hoặc phát quà và thăm viếng bà con vùng sâu, vùng xa như Kon Tum, Gia Lai, Tây Ninh… Những hoạt động này là cơ hội để các em được mở rộng nhân sinh quan, biết trân trọng những gì mình đang có và học cách san sẻ cho những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Các em nhỏ của mái ấm Mai Tâm phát quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn
“Khi con phát quà bánh cho các em nhỏ, các em rất vui vẻ, đưa gì nhận đó không đòi hỏi thêm. Với người lớn họ vui vẻ nhận quà và không cằn nhằn gì cả. Tụi con được dân làng mời dùng cơm lam. Mặc dù không vừa miệng nhưng con vẫn ăn để mọi người vui. Sau chuyến đi con nhận ra mình phải biết chia sẻ cho người khác và quan tâm, nâng đỡ những hoàn cảnh khó khăn” – Bé K.A chia sẻ trong bài thu hoạch về chuyến đi từ thiện tại Gia Lai.
Linh mục phụ trách mái ấm cho biết: “Các cha luôn nỗ lực xây dựng cho các em một nhân cách tốt đẹp và khuyến khích các em mình đã được yêu thương như thế nào thì về sau, mong các em cũng chia sẻ điều mình đã được nhận cho những người khó khăn như mình”.
Nuôi dưỡng cùng lúc 87 em nhỏ với nhiều độ tuổi khác nhau, mái ấm Mai Tâm cũng gặp phải những khó khăn nhất định trong việc nắm bắt tâm sinh lý và tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp cho từng trẻ, đặc biệt là các em tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, bằng trái tim của những người làm cha làm mẹ, các cha, các thầy và nhân viên của mái ấm luôn hết lòng chăm sóc, dạy dỗ và tạo điều kiện tốt nhất để mọi đứa trẻ đều trưởng thành khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tâm hồn.
“Có lần, cha Toại đi đâu về và xin được một thùng đồ cũ của trẻ em đem phân phát cho mọi người. Biết Tâm thích một cái áo thun trong số đó, trong lúc phân phát, cha đã vờ hỏi: ‘Cha cho con cái áo này, ngược lại, con cho cha cái áo vest của con được không?’. Em cười lắc đầu: ‘Mất thứ gì cũng được chứ con hông bao giờ chịu đổi cái áo mẹ cho đâu!’.”
Cậu bé có cái áo đẹp duy nhất trong Mái ấm là Tâm. Tâm năm đó chừng 6–7 tuổi. Em đến với Mái ấm trong hoàn cảnh đặc biệt.
Mẹ em trước kia “hành nghề” ở biên giới Campuchia. Nghe đâu trước khi mất, mẹ đã trao em cho một người lái xe ôm quen thuộc và ông đưa em về làm con trong một gia đình vùng biên giới. Em lớn lên trong sự đùm bọc và tình yêu thương của cha mẹ nuôi cho đến một ngày em bị tai nạn gãy chân phải mổ.
Cuối cùng, gia đình được một người thân giới thiệu lên thành phố và đưa em vào Mái ấm.
Ngày vào, cậu bé mang theo một chiếc giỏ nhỏ, trong đó chỉ có vài bộ đồ. Cha mẹ nói với em rằng cho em lên Sài Gòn để đi học. Vì thế, chỉ có thể sắm cho em được một cái áo vest đẹp để dành mai mốt đi học mà mặc.
Tâm được mọi người trong mái ấm yêu thương vì hiền hòa và chân thật. Có lần, cha Toại đi đâu về và xin được một thùng đồ cũ của trẻ em đem phân phát cho mọi người. Biết Tâm thích một cái áo thun trong số đó, trong lúc phân phát, cha đã vờ hỏi: “Cha cho con cái áo này, ngược lại, con cho cha cái áo vest của con được không?”. Em cười lắc đầu: “Mất thứ gì cũng được chứ con hông bao giờ chịu đổi cái áo mẹ cho đâu!”.
Rồi điều gì đến cũng đến. Tưởng chừng như Tâm đã có thể khoẻ lại khi được uống thuốc như bao đứa trẻ khác, nhưng không… Da mặt em từ từ bị bong ra như bị phỏng, má em sưng lên, máu rướm ra làm cho em vừa ngứa, vừa đau, vừa rát. Cha và các sơ phải băng một miếng gạc để che lại vết lở trên mặt, nhưng vết lở càng ngày càng loang to, do em hay đưa tay lên gãi.
Lúc em trở nặng, cha vừa ngồi một bên giữ tay em để khỏi gãi, vừa nhờ người cầm quạt quạt lên mặt cho em bớt rát. Bác sĩ chịu thua không biết phải làm gì với căn bệnh kì lạ của em.
Ngày trước khi em vào viện lần cuối cùng, mái ấm được mời đi ăn đám cưới của một cô nhân viên trong nhà. Tất cả các trẻ đều háo hức, vì đó là lần đầu tiên chúng nó được đi ăn cưới, được nhìn thấy cô dâu chú rể, đứa nào cũng muốn diện cho mình một bộ đồ đẹp nhất. Có một bé trai trong mái ấm lẽo đẽo sau lưng cha Toại để than: “Cha ơi, con không có áo mới!”.
Thời đó, cha chỉ mới xin được quần áo sơ sinh cũ, chưa có ai cho đồ cho trẻ 5-6 tuổi. Cha nói: “Thôi con mặc đại bộ này đi, mai mốt có đồ mới, cha lấy cho con”. Rồi sau đó cả nhà kéo nhau đi.
Cha liền hỏi: “Ủa, sao con nói không có áo? Cái áo con đang mặc này từ đâu?”. Em trả lời: “Dạ anh Tâm cho con đó cha. Anh Tâm nghe nói con không có áo mặc nên lấy cái này đưa cho con”.
Bé Tâm đã cho đi cái áo đẹp nhất, quý nhất của mình để bạn có áo mặc trong dịp trọng đại. Cái áo mà em không bao giờ muốn rời xa, vì là món quà ba mẹ tặng cho em.
Mấy ngày sau đó, Tâm nhập viện, và về với Chúa. Đêm đó, lần đầu tiên, mọi người nhìn thấy các y bác sĩ trong bệnh viện rớt nước mắt trước sự ra đi của một em bé như Tâm.
Nhờ những phát triển y khoa, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS ngày nay đã có thể lớn lên hoàn toàn khỏe mạnh và sống cuộc đời bình thường như mọi người. Chính vì thế mà từ lâu bên cạnh chăm sóc sức khỏe, Mái ấm Mai Tâm cũng quan tâm đến những cơ hội của các em sau này. Việc cho các em được hưởng sự giáo dục tốt nhất từ lúc còn nhỏ chính là chìa khóa để làm được điều đó.
Trao cơ hội phát triển toàn diện
Nhận thấy sự phát triển về mọi mặt chính là cánh cửa gần nhất dẫn đến những cơ hội trong tương lai, Mái ấm Mai Tâm đã trao nó cho trẻ em tại đây ngay từ sớm.
Ở tuổi mẫu giáo, các em được dạy học bằng phương pháp Montessori tiên tiến, qua đó hình thành ý thức tốt, bản tính yêu thương, biết nhường nhịn, san sẻ. Khi đến tuổi học chính quy, các em được gửi vào những trường công ở địa phương. Tại đây, mái ấm cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động của nhà trường để biết thêm những kỹ năng mềm, biết cách ứng xử khi hòa nhập với xã hội.
Các em thuộc độ tuổi mẫu giáo được dạy ngay trong mái ấm theo phương pháp Montessori
Ngoài thời gian đến trường, trẻ em tại Mái ấm Mai Tâm cũng được học thêm các bộ môn năng khiếu như vẽ tranh, ca hát. Thông qua tiếp xúc với nghệ thuật, các em học được cách bày tỏ nỗi niềm và biết cảm thụ thế giới xung quanh. Những điều này khi các em trưởng thành sẽ biến đổi thành khả năng biết đồng cảm, chia sẻ và yêu thương người khác.
Các em được học năng khiếu để thư giãn sau thời gian đến trường cũng như phát triển những tố chất khác
Hơn nữa, việc cho các em được thỏa thích học mọi điều mình muốn cũng chính là cách xóa bỏ sự tự ti, giúp các em không phải lớn lên với cảm giác vì căn bệnh mà bản thân không nhận được nhiều cơ hội như mọi người.
Hình thành và xây dựng nhân cách tốt
Xây dựng nhân cách tốt cũng là điều vô cùng quan trọng vì điều đó sẽ giúp các em có nhận thức đúng đắn, biết cách đối nhân xử thế khi quay về xã hội, từ đó đạt được nhiều cơ hội hơn.
Ngay từ nhỏ, trẻ em ở Mái ấm Mai Tâm đã được hình thành sự yêu thương lẫn nhau
Để hình thành được điều đó là cả một quá trình dài vì khác với người trưởng thành, các em sẽ trải qua giai đoạn dậy thì với nhiều biến đổi lẫn khủng hoảng về tâm sinh lý. Ở tuổi vị thành niên, nhu cầu lớn nhất của các em chính là được lắng nghe và thấu hiểu. Biết được điều đó, mái ấm đã mở ra phòng tham vấn tâm lý do nhân viên có chuyên môn phụ trách để các em có thể đến chia sẻ và được động viên, giúp các em vượt qua được một chặng đường khó khăn của tuổi trẻ.
Các em nhỏ luôn được dành cho nhiều sự quan tâm để có thể phát triển tốt nhất
Ngoài ra, các em còn được khuyến khích mở lòng và lắng nghe nhau để biết yêu thương những người có cùng hoàn cảnh. Mỗi cuối ngày, các em sẽ được thực hiện hoạt động có tên “Phút hồi tâm” nhằm giúp lấy lại trạng thái cân bằng, xoa dịu những tổn thương và khơi gợi lòng biết ơn với những gì được nhận. Thỉnh thoảng, các em cũng tự ngồi lại với nhau, những anh chị lớn hơn sẽ cùng các em nhỏ trò chuyện và chia sẻ khó khăn với các em bằng chính trải nghiệm của mình, từ đó hình thành ý thức biết giúp đỡ những người khác cũng đạt được những thành công như bản thân.
Để thật sự “chữa lành” cho những trẻ em không may bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, bên cạnh vấn đề sức khỏe còn phải đảm bảo cho các em một cuộc sống tốt đẹp về sau. Chính những phương pháp giáo dục hiệu quả và sự chăm lo hết mực về đời sống tinh thần sẽ giúp các em tại Mai Tâm lớn lên thành những người có tấm lòng lương thiện, từ đó gặt hái được nhiều cơ hội khi tái hòa nhập với cộng đồng.