Từ những hỗ trợ dành cho các chị, các mẹ sống chung với HIV/AIDS, mái ấm Mai Tâm đang nỗ lực giúp họ phục hồi niềm tin, nâng cao phẩm giá và tái hòa nhập xã hội.
Từ ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990, phải đến 20 năm sau đại dịch HIV mới được kiểm soát tại Việt Nam. Trong thời gian đó, có hàng trăm ngàn phụ nữ đã trở thành nạn nhân của căn bệnh thế kỷ. Nhiều người trong số họ không có nhà để về, không tự nuôi sống được bản thân và không được tiếp cận với dịch vụ y tế.
Một bà mẹ đang chăm sóc các em nhỏ tại mái ấm
Mong muốn góp phần vào công cuộc phòng chống đại dịch HIV, mái ấm Mai Tâm đã ra đời, trở thành nơi nương náu cho những người dễ tổn thương của xã hội. Mái ấm hiện đang cưu mang 25 phụ nữ sống chung với HIV. Họ đến với mái ấm qua sự giới thiệu của những tấm lòng hảo tâm, các trung tâm chăm sóc sức khỏe và các tổ chức phi chính phủ.
Tại đây, họ được tiếp nhận điều trị ARV, chăm sóc giảm nhẹ, tham vấn và giáo dục kiến thức ngăn ngừa HIV. Nhờ vậy, các chị, các mẹ có thể chung sống với HIV như một căn bệnh mãn tính, duy trì sức khỏe ổn định và ngăn ngừa lây nhiễm chéo. Thấu hiểu những suy sụp về tâm lý của các chị, các mẹ, mái ấm luôn đồng hành để chữa lành tâm linh, xoa dịu vết thương tinh thần và khôi phục niềm tin vào cuộc sống của họ.
Mở đường cho các thành viên tái hòa nhập xã hội, mái ấm mở ra nhà may tại Gò Vấp để các chị, các mẹ học nghề may, thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra, một số chị trở thành bảo mẫu cho các em nhỏ ngay tại mái ấm. Từ việc kiếm ra nhu nhập, các chị, các mẹ có thể tự nuôi sống bản thân, con cái và có thêm động lực cống hiến cho xã hội. Đồng thời, đó cũng là tiền đề để họ nhìn nhận đúng về giá trị của bản thân.
Chị T.T. tham gia hoạt động nâng cao kỹ năng chăm sóc trẻ do mái ấm tổ chức
Chị T.T. – bà mẹ đang sống tại mái ấm Mai Tâm cho biết: “Môi trường sống ở mái ấm rất tốt. Chúng tôi được tạo điều kiện ăn ở, thường xuyên được hỏi han, động viên tinh thần. Mọi người ở đây hòa đồng, thân thiết, xem nhau như người nhà. Mái ấm còn tạo công ăn việc làm và trả lương xứng đáng để khẳng định phẩm giá cho những người mang H như chúng tôi”.
Đến nay, chị T.T. cùng con đã sống tại mái ấm Mai Tâm được 13 năm. Hiện chị đang là bảo mẫu, đảm nhận công việc chăm sóc và nuôi dưỡng những em nhỏ tại mái ấm.
Linh mục Đỗ Đức Phú (mái ấm Mai Tâm) cho biết: “Đối với những người sức khỏe không ổn định, trình độ hạn chế Mai Tâm sẽ tạo điều kiện để họ sinh sống và làm việc tại mái ấm. Riêng một số các chị, các mẹ có điều kiện tốt hơn sau khi hồi phục vẫn có thể có cho mình một công việc ngoài xã hội như buôn bán, nhân viên dịch vụ…”.
Cùng với việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về HIV, tăng cường sự cảm thông dành cho những nạn nhân của căn bệnh thế kỷ, mái ấm Mai Tâm đang nỗ lực từng ngày để giúp các chị, các mẹ sống chung với HIV tái hòa nhập xã hội, xây dựng cuộc sống tự lập như bao người bình thường.