Những phụ nữ và trẻ em đến với mái ấm Mai Tâm ít nhiều đều chịu đựng tổn thương về tâm lý bởi căn bệnh đang mang trong mình. Để xoa dịu nỗi mặc cảm, tự ti của họ, mái ấm Mai Tâm luôn đồng hành chữa lành và tạo nên môi trường sống chất lượng cho các thành viên. 

Đào tạo kỹ năng chăm sóc và trò chuyện với trẻ

Mái ấm Mai Tâm hiện đang cưu mang 87 trẻ em sống và chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Hầu hết các em bị bỏ rơi và được đưa về từ các bệnh viện lớn như Hùng Vương, Từ Dũ, Nhi Đồng II… Để nuôi dưỡng, giáo dục các em trở thành một con người toàn diện, mái ấm Mai Tâm không chỉ hỗ trợ phát triển thể chất mà song song với đó còn xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh. 

Khu vui chơi dành cho trẻ em tại mái ấm Mai Tâm

Từ rất sớm các em đã được tiếp cận với những bộ môn năng khiếu như hội họa, âm nhạc. Qua đó, các em được thỏa mãn đam mê, diễn tả những mơ ước, khát vọng của mình. Với sự hỗ trợ của những giảng viên mỹ thuật, những bức tranh của các em sẽ được trưng bày trong các buổi triển lãm gây quỹ cho mái ấm. 

Vào những dịp cuối tuần hoặc lễ tết, mái ấm thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, dã ngoại, du lịch để các em có cơ hội giải tỏa áp lực học hành, khám phá cuộc sống và có được nhân sinh quan rộng mở. Mỗi cuối ngày, các em sẽ dành một chút thời gian để thực hiện “Phút hồi tâm”. Đây là hoạt động giúp các em lấy lại trạng thái cân bằng, xoa dịu những tổn thương tâm hồn và khơi gợi lòng biết ơn với những điều tốt đẹp đã được nhận. 

Phòng đọc sách và nghỉ trưa của các em

Mong muốn các em trở thành người có lòng trắc ẩn, biết cảm thông và chia sẻ những người có hoàn cảnh khó khăn, mái ấm ưu tiên cho các em tham gia hoạt động thiện nguyện. Trong đời sống, mái ấm cũng khuyến khích các em chăm sóc các vật nuôi để học cách bồi đắp tình yêu thương. 

Linh mục Đỗ Đức Phú (mái ấm Mai Tâm) cho biết, khó khăn lớn nhất đối với mái ấm là việc nuôi dạy trẻ vị thành niên. Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa hai thời kỳ trẻ em và người lớn nên các em thường phải trải qua cơn khủng hoảng của những biến đổi về tâm sinh lý, mong muốn khẳng định bản thân với nhân cách và bản ngã riêng với môi trường xung quanh, sự thức tỉnh của xung năng tính dục. Đối diện với các thay đổi này, các em khao khát tự vượt qua chính mình cách mãnh liệt  và có phần thái quá, đôi khi quá tiêu cực dẫn đến dễ sa vào tệ nạn xã hội. Ở lứa tuổi này, các em có nhu cầu được lắng nghe và thấu hiểu; đồng thời dễ có những xung đột nội tâm dẫn đến cảm giác khó khăn, tồi tệ, thậm chí đau khổ. Vì vậy, mái ấm Mai Tâm đã mở ra phòng tham vấn tâm lý do nhân viên tham vấn có chuyên môn phụ trách để các em có thể đến chia sẻ, được lắng nghe, nâng đỡ và đồng hành. Những em mắc chứng tự kỷ, tăng động, giảm chú ý hoặc thuộc các trường hợp tâm bệnh trẻ em khác sẽ được đánh giá tâm lý thông qua các công cụ chẩn đoán, từ đó phân tích và đưa ra các  yêu cầu thăm khám tâm lý phù hợp.

Các bé lớp mẫu giáo theo dõi chương trình giải trí – giáo dục

Mở đường đưa người bị ảnh hưởng và sống với HIV trở về xã hội.

Từ 2005 đến nay, mái ấm chỉ có 8 trường hợp các em qua đời vì bệnh. Số còn lại đều trưởng thành khỏe mạnh. Một số em đã có thể bắt đầu đời sống tự lập. Cha Phú cho biết: “Em đầu tiên trưởng thành tại mái ấm là một bạn học ngành y. Ra trường, bạn quay về mái ấm phục vụ 3 năm, sau đó lập gia đình. Một em hiện là sinh viên năm cuối chuyên ngành Kế toán – Tài chính (ĐH HUTECH). Một số em khác cũng đang học nghề cắt tóc, nghề may hoặc tìm việc làm để xây dựng cuộc sống riêng”.

Với các bà mẹ, mái ấm dạy nghề, tạo công ăn việc làm và trả lương cho họ. Điều này giúp bệnh nhân vượt qua nỗi bi quan, được nâng cao phẩm giá, tự nuôi sống bản thân và con cái. Từ đó, họ có điều kiện để tái hòa nhập xã hội.

10 năm nay chị Yến vẫn tận tụy chăm sóc cho các bé từng bữa ăn giấc ngủ

Cách đây 10 năm, chị Nguyễn Kim Yến (tên nhân vật đã được thay đổi) ôm đứa con còn đỏ hỏn đến với mái ấm Mai Tâm. Giữa bị lúc người thân, xã hội ruồng bỏ, hai mẹ con chị đã được mái ấm Mai Tâm dang rộng vòng tay đón nhận. Ở đây, chị và con được hỗ trợ những nhu cầu thiết yếu và tiếp nhận điều trị HIV. Sau khi sức khỏe đã ổn định, chị trở thành bảo mẫu cho các bé với mức lương ổn định hàng tháng. 3 năm trước, chị Yến lập gia đình và chuyển ra ngoài, nhưng vẫn tiếp tục phục vụ cho mái ấm.

“Dù việc lớn việc nhỏ, không phải phận sự của mình tôi vẫn làm hết mình, vì ân tình nhận được từ các cha quá lớn. Nếu không có mái ấm và các cha mẹ con tôi sẽ không có được ngày hôm nay” – Chị Yến chia sẻ. 

Những hoạt động của mái ấm không chỉ giúp bà mẹ và trẻ em chung sống lâu nhất với căn bệnh thế kỷ mà còn giúp họ sống có ích mỗi ngày. Trẻ em được lớn lên trong tình yêu thương, giữ trọn ánh mắt hồn nhiên và có một tương lai tươi sáng. Các chị, các mẹ phục hồi niềm tin vào cuộc sống, được cống hiến cho xã hội và trở thành công dân có ích. Tất cả hướng đến mục tiêu bệnh nhân HIV/AIDS không còn phải chịu nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần.